Cẩm nang hướng dẫn các bước dưỡng da cơ bản hằng ngày đầy đủ nhất cho nàng
Bất kỳ cô gái nào cũng muốn có một làn da khỏe khoắn, mịn màng. Để có một làn da đẹp thì việc chăm sóc da hằng ngày đúng cách là vô cùng quan trọng. Nếu bạn là nàng mới "nhập môn" chưa rõ về quy trình chăm sóc da hay là nàng chăm chỉ dưỡng da đã lâu nhưng da vẫn chưa cải thiện và còn nhiều boăn khoăn về trình tự các bước dưỡng, thì bài viết này dành cho bạn. Hy vọng qua bài viết này, Moira sẽ giúp bạn hiểu rõ những nguyên lý chăm sóc da cơ bản cũng như tìm được trình tự chăm sóc da phù hợp nhất dành cho mình.
Nguyên lý các bước chăm sóc da cần tuân thủ
Chăm sóc da cũng cần có quy trình với các bước lần lượt theo trình tự và tuân thủ nguyên tắc cơ bản. Bởi mỗi sản phẩm đều có những vai trò riêng với những đặc tính khác nhau (lỏng, đặc, độ pH...) và ảnh hưởng liên quan với nhau. Dù mỗi làn da có những tình trạng, vấn đề da khác nhau và quy trình chăm sóc da có thể thay đổi thêm bớt các bước dưỡng cho phù hợp thì bạn vẫn phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản nhất sau đây:
- Tuân theo thứ tự cơ bản: Làm sạch --> Cân bằng --> Đặc trị (nếu có) --> Dưỡng ẩm --> Chống nắng
- Lỏng trước đặc sau
- pH thấp đến cao hoặc không phụ thuộc pH sau
- Lưu ý riêng về từng hoạt chất đặc trị
- Chọn sản phẩm dưỡng phù hợp với loại da
Những nguyên tắc cần nhớ khi chăm sóc da
Gợi ý quy trình chăm sóc da hàng ngày
Hiểu được quy tắc cơ bản các bước chăm sóc da cần tuân thủ, bạn sẽ tự xây dựng được cho mình một quy trình chuẩn theo nhu cầu của da bạn. Tùy vào tình trạng da (mụn, sạm/nám, nếp nhăn/lão hóa,...), thời điểm trong ngày (sáng/tối) và nhu cầu thực tế của làn da mà bạn có thể thêm bớt các bước chăm sóc da trong quy trình dưỡng hằng ngày. Dưới đây là gợi ý các bước chăm sóc da từ cơ bản tới nâng cao cho bạn tham khảo:
- Sáng: Rửa mặt --> Cân bằng da (toner) --> Tinh chất đặc trị (nếu có) --> Dưỡng ẩm (mặt mắt môi) --> Chống nắng
- Tối: Tẩy trang --> Rửa mặt --> Tẩy tế bào chết vật lý (1-2 lần/tuần ) --> Mặt nạ rửa (1-2 lần/tuần) --> Cân bằng da (toner) --> Tinh chất đặc trị (nếu có) --> Mặt nạ giấy (2-3 lần/tuần) --> Dưỡng ẩm (mặt, mắt, môi) --> Mặt nạ ngủ (1-2 lần/tuần)
Quy trình chăm sóc da hàng ngày
Hướng dẫn chi tiết từng bước dưỡng da cơ bản nhất
1. Làm sạch (Tẩy trang & Rửa mặt)
Có một quy tắc bạn cần ghi nhớ là trước khi bắt đầu bất kỳ bước dưỡng da nào, bạn cần phải chuẩn bị một làn da thật sạch để lỗ chân lông được thông thoáng thì các dưỡng chất mới thẩm thấu vào da hiệu quả. Nếu bạn không chú trọng làm sạch, quên hay làm sạch da không kỹ, không đúng cách thì tất cả các bước dưỡng da tiếp theo đều trở nên vô nghĩa. Không những thế, làn da bạn cũng trở thành môi trường yêu thích để các loại vi khuẩn phát triển, khiến lỗ chân lông bị bít tắt, da bị viêm, nổi mụn và trở nên xấu đi. Chính vì vậy, làm sạch là bước đầu tiên quan trọng trong các bước chăm sóc da mặt cơ bản mà bạn không thể bỏ qua. Làm sạch da đúng cách sẽ giúp loại bỏ sạch sẽ các bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ cùng với lớp kem chống nắng hay lớp trang điểm vẫn còn bám chặt trên da.
Luôn tẩy trang và rửa mặt để chuẩn bị làn da sạch trước khi bắt đầu các bước dưỡng
Khi làm sạch da, bạn chỉ cần nhớ hai bước quan trọng là tẩy trang và rửa mặt, tùy theo thời điểm trong ngày mà bạn chỉ cần thực hiện một hay kết hợp cả hai để da được sạch hoàn toàn:
- Tẩy trang (buổi tối)
Vì ban ngày bạn sử dụng kem chống nắng hay có trang điểm, nên nếu chỉ rửa mặt sẽ không loại bỏ được các lớp kem chống nắng hay lớp trang điểm này. Vì vậy, trước khi rửa mặt buổi tối, bạn nên tẩy trang mặt thật sạch với các loại tẩy trang phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều dòng sản phẩm tẩy trang với kết cấu đa dạng như: nước (cleansing water), tạo bọt (cleansing foam), gel (cleansing gel), sữa (cleansing milk), kem (cleansing cream), dầu (cleansing oil), sáp (cleansing balm). Mỗi loại sẽ có những tính năng và đặc tính riêng, bạn chỉ cần chọn sản phẩm tẩy trang phù hợp với làn da của mình. Đối với lớp trang điểm nhẹ hay chỉ sử dụng kem chống nắng bạn chọn dùng nước tẩy trang là tiện lợi nhất, hoặc chọn gel tẩy trang cho da hỗn hợp, bọt tẩy trang cho da dầu, sữa tẩy trang cho da khô. Đối với các lớp trang điểm dày, lâu trôi và không thấm nước (waterproof) bạn có thể chọn dầu tẩy trang cho mọi loại da, hoặc nếu da bạn rất khô thì nên chọn loại sáp/kem tẩy trang.
Khi tẩy trang bạn nhớ tẩy kỹ ở những vùng trang điểm đậm trước. Riêng đối với vùng mắt và môi nên chọn loại tẩy trang chuyên biệt dành riêng cho hai vùng da nhạy cảm này. Các động tác "massage" làm sạch da phải thật nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh gây chảy xệ da mặt. Sau khi đã tẩy trang xong, bạn cần rửa lại mặt với sữa rửa mặt tương tự như buổi sáng giúp loại bỏ hoàn toàn bã nhờn, bụi bẩn và các chất tẩy trang còn sót lại, để da được sạch sâu hơn.
- Rửa mặt (buồi sáng và tối)
Dù không phải ra ngoài đường tiếp xúc nhiều với khói bụi nhưng sau khi ngủ dậy, làn da thường sẽ tiết ra khá nhiều dầu và việc nằm gối qua đêm cũng khiến nhiều vi khuẩn xâm nhập khiến da trở nên bẩn hơn mà mắt thường khó có thể thấy. Hơn nữa tàn dư của các sản phẩm dưỡng da ban đêm vẫn còn sót lại trên da khiến lỗ chân lông không thông thoáng. Vì vậy, bạn cần phải rửa mặt để chuẩn bị một làn da sạch, thông thoáng lỗ chân lông, dọn đường cho các dưỡng chất ở các bước dưỡng da tiếp theo thẩm thấu tốt hơn.
Nguyên tắc chung khi chọn sữa rửa mặt là pH thấp hơn 7, chỉ số pH nên dao động từ 5.5 đến 6.5. Sữa rửa mặt tạo bọt phù hợp với da hỗn hợp hoặc da dầu, còn da khô nên sử dụng sữa rửa mặt dạng gel, sữa hoặc kem không tạo bọt.
Để rửa mặt, trước hết, bạn cần làm sạch tay và làm ướt tay với nước ấm. Sau đó lấy một lượng sữa rửa mặt nhỏ bằng hạt đậu ra lòng bàn tay, dùng một chút nước để tạo bọt trên tay. Tiếp theo bạn thoa sữa rửa mặt lên và mát xa nhẹ nhàng gương mặt trong khoảng 30 giây và rửa lại mặt bằng nước ấm. Bên cạnh cách rửa mặt thông thường bằng tay, bạn có thể rửa mặt bằng máy rửa mặt để khiến da được sạch sâu hơn.
2. Cân bằng da
Sau khi da được làm sạch, sẽ mất đi một phần độ ẩm trên bề mặt, độ pH chuẩn của da cũng không được đảm bảo, vậy nên bạn cần thực hiện bước cân bằng da với toner để giúp da điều tiết lại độ pH về chuẩn là 4.0-6.0, để da không bị khô căng cũng như tạo điều kiện cho da hấp thụ các dưỡng chất ở các bước tiếp theo tốt hơn.
Cân bằng da bằng toner để làn da có độ pH chuẩn, thêm sạch sâu mà không bị khô căng
Toner thường có kết cấu lỏng (gần như nước), nhẹ dịu, chứa rất ít hoặc không chứa cồn, thấm nhanh không gây nhờn dính. Mọi người hay có thói quen gọi toner là nước hoa hồng, nhưng chính xác thì nó là "nước cân bằng da" bởi tác dụng chính của nó là cân bằng pH cho da sau khi rửa mặt. Thêm vào đó, toner còn giúp da bổ sung độ ẩm đã mất khi rửa mặt, làm da mềm mại, mịn màng, bớt căng tức đồng thời làm sạch sâu lớp bụi bẩn “cứng đầu” còn bám lại sau khi rửa mặt. Ngoài ra, một số toner còn có các tác dụng khác như: se khít lỗ chân lông, kiềm dầu, dưỡng ẩm,... tùy vào nhu cầu của làn da mà bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.
Lưu ý: Nếu da bạn nhạy cảm không nên chọn những toner có chứa cồn. Để sử dụng toner, bạn chỉ cần cho vài giọt toner vào tay hoặc bông tẩy trang và thoa đều lên da mặt và cổ, rồi vỗ nhẹ, đợi vài phút để toner thấm vào da và không cần rửa lại với nước.
3. Đặc trị (nếu có)
Sau các bước làm sạch và cân bằng, da bạn đã sẵn sàng để thẩu thấu tối đa các tinh chất dưỡng và đặc trị giúp da được cấp ẩm sâu và giải quyết hiệu quả các vấn đề da như: sần sùi, bong tróc, nếp nhăn, thâm nám, xỉn màu, nhờn mụn,... Các sản phẩm thường dùng ở bước này là Essence/Serum/Ampoule, tiếng việt là "huyết thanh”, “tinh chất” hay “tinh chất cô đặc”, đều có kết cấu dễ dàng ngấm sâu vào dưới da để giúp cải thiện tốt nhất các vấn đề da.
Dùng đúng "serum" để đặc trị các vấn đề về da, giúp da phục hồi và cải thiện nhanh chóng
Tại bước này, bạn cũng có thể có thể thêm/bớt, dùng một hay nhiều loại tinh chất khác nhau tùy vào nhu cầu của làn da bạn như: làm trắng, trị thâm nám, trị mụn, ngừa nếp nhăn, chống lão hóa,... Nhưng khi thoa nhiều tinh chất chồng lên nhau, bạn nên cách ít nhất 5 phút giữa mỗi lần thoa để dưỡng chất kịp thấm vào da và lưu ý thoa theo quy tắc lỏng trước đặc sau. Thứ tự kết cấu tinh chất từ lỏng tới đặc: Essence > Serum > Ampoule.
Lưu ý: Nếu da bạn không có các vấn đề về da mà chỉ cần dưỡng ẩm, bạn có thể bỏ qua bước tinh chất này. Nếu bạn có các vấn đề đặc biệt nặng về da như: mụn, nám/tàn nhang, lão hóa, bạn nên bổ sung thêm các hoạt chất đặc trị chuyên sâu nâng cao vào chu trình dưỡng da như: AHA, BHA, Vit C, Retinol, Niacinamide,... Thông thường, bạn sẽ dùng các hoạt chất này theo quy tắc pH thấp đến cao hoặc không phụ thuộc pH sau. Bạn nên dùng AHA cho da khô hoặc BHA cho da dầu sau bước cân bằng da để loại bỏ tế bào chết và chỉ nên dùng vào buổi tối. Vit C nên dùng buổi sáng sau bước cân bằng giúp sáng da, mờ thâm nám và nâng cao hiệu quả của kem chống nắng. Retinol là chất có tác dụng mạnh, cực kỳ hiệu quả trong việc chống lão hóa, giảm nếp nhăn, thâm mụn nên dùng cuối cùng sau bước dưỡng ẩm để tránh kích ứng. Tuy nhiên, cách sử dụng và kết hợp các hoạt chất này sao cho tối ưu nhất còn có những quy tắc riêng khác cần lưu ý thêm. Vậy nên mình sẽ hướng dẫn cách đặc trị nâng cao cho da tại một bài viết khác để các bạn không bị rối nhé.
4. Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm là bước quan trọng không thể thiếu trong các bước chăm sóc da cơ bản. Dù tinh chất có thể thẩm thấu sâu vào da và cung cấp độ ẩm cho da nhưng lại dễ bay hơi nên cần bước dưỡng ẩm để khóa các tinh chất ở lại dưới da, không bị bốc hơi khỏi da. Dưỡng ẩm giúp da đủ ẩm mượt, tạo thành một lớp màng bảo vệ "khóa chặt" mọi dưỡng chất của các bước dưỡng da trước đó. Vì vậy, các bạn tuyệt đối không nên quên bước dưỡng ẩm chủ chốt này nếu không muốn công sức dưỡng da trước đó "tiêu tan", không có một chút tác dụng nào.
Đừng quên bước dưỡng ẩm để "khóa chặt" các dưỡng chất cho da luôn ẩm mịn
Các sản phẩm dưỡng ẩm trên thị trường thường thấy có các dạng: Emulsion, Lotion, Gel, Cream, Ointment. Tùy vào từng loại da và thời điểm bạn nên chọn cho mình loại dưỡng ẩm phù hợp. Nếu là bạn có da dầu hay dưỡng da vào ban ngày hoặc mùa hè sẽ khiến da tiết nhiều bóng nhờn: bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu lỏng nhẹ và thẩm thấu nhanh, giữ cho làn da ngậm nước mà không cảm thấy nặng da hay nhờn rít như: Lotion, Emulsion, Gel. Nếu bạn có da khô hay dưỡng da vào ban đêm hoặc mùa đông sẽ khiến da trở nên khô hơn: bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng dạng đậm đặc như: Cream, Ointment.
Lưu ý: Bạn cần dưỡng ẩm đầy đủ cho cả mặt, mắt và môi. Riêng mắt và môi bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng chuyên dụng cho hai vùng này để đạt hiệu quả cao nhất. Vào ban ngày, nếu bạn muốn quy trình của mình ngắn gọn hơn, bạn có thể lựa chọn loại kem dưỡng ẩm ban ngày với thành phần chống nắng có ít nhất SPF 30 và bỏ qua bước thoa kem chống nắng. Nhưng dù bạn chọn cách nào, hãy để kem thấm vào da ít nhất năm phút trước khi trang điểm.
5. Chống nắng
Chống nắng được coi là bước cuối cùng sau dưỡng da và là bước đầu tiên trước khi trang điểm vào ban ngày. Trong ánh nắng mặt trời luôn tồn tại tia UVA1 và nó có khả năng xuyên qua lớp cửa kính, nên dù cho bạn chỉ ngồi trong nhà/văn phòng, kể cả những lúc trời râm mát hay vào các tháng mùa đông không thấy nắng, bạn vẫn cần phải thoa kem chống nắng mỗi sáng để bảo vệ làn da của bạn khỏi tác hại của tia cực tím, tránh cho da bị lão hóa sớm cũng như bị nám, tàn nhang. Bạn nên chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của mình và có chỉ số SPF từ 30+, PA+++, chống được cả tia UVA, UVB. Nếu là da dầu, bạn nên chọn kem chống nắng dạng gel, nước hoặc xịt và có chữ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) để tránh bí da. Nếu là da khô nên chọn chống nắng dạng kem đặc có chứa các chất bổ sung độ ẩm. Nếu da nhạy cảm, bạn nên tránh xa kem chống nắng hóa học có thành phần Oxybenzone và PABA. Bạn nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút, để phát huy hết tối đa hiệu quả bảo vệ da.
Dùng kem chống nắng kể cả ngồi trong văn phòng hay những lúc trời râm mát
Lưu ý: Nếu bạn trang điểm và muốn rút gọn quy trình dưỡng da hơn nữa bạn có thể dùng kem nền hay BB/CC cream có thêm chức năng chống nắng với SPF từ 30 trở lên. Tuy nhiên với những ngày cần hoạt động nhiều giờ ngoài trời hay bơi lội, đi biển, bạn nên sử dụng kem chống nắng chuyên biệt lâu trôi " “Water Resistant” hoặc “Water Proof” để bảo vệ da tốt nhất.
Các bước dưỡng da bổ sung
Ngoài các bước dưỡng da cơ bản bên trên, mỗi tuần bạn nên bổ sung thêm các bước tẩy tế bào chết hay đắp mặt nạ cho da từ 1-3 lần/tuần để da được làm sạch sâu và tăng cường thêm dưỡng chất, phát huy tối đa hiệu quả dưỡng da.
Tẩy tế bào chết khi nào?
Tẩy tế bào chết là điều cần thiết để làm sạch triệt để các lớp sừng và tế bào chết còn bám chặt trên da, từ đó giúp thông thoáng lỗ chân lông, làm đều màu da và giảm nếp nhăn sâu. Tẩy tế bào chết cho da gồm có hai dạng: tẩy tế bào chết vật lý với các hạt scrub cơ học và tẩy tế bào chết hóa học với AHA (cho da khô) / BHA (cho da dầu). Nếu da bạn khỏe không gặp các vấn đề về da đặc biệt là mụn, bạn có thể chọn tẩy tế bào chết vật lý cho da từ 1-2 lần/tuần, dùng ngay sau khi rửa mặt. Nếu da bạn gặp các vấn đề như: mụn, sần sùi, xỉn màu, sạm nám, nếp nhăn,... thì bạn nên chọn tẩy tế bào chết hóa học cho da từ 1-2 lần/tuần, sau bước cân bằng da với toner. Ngoài da mặt, bạn đừng quên tẩy da chết cho môi từ 2 - 3 lần mỗi tuần với các sản phẩm chuyên biệt dành cho môi.
Nên tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần để làn tái tạo làn da khỏe khoắn hơn
Đắp mặt nạ khi nào?
Đắp mặt nạ giống như một bữa thưởng cho làn da, giúp da tươi sáng và rạng rỡ hơn. Bạn có thể dùng nguyên liệu thiên nhiên tự làm như các loại bột (yến mạch, cám gạo, đậu đỏ, nghệ, trà xanh…), mật ong, sữa chua, hoa quả hoặc các loại mặt nạ đặc trị của hãng mỹ phẩm mà bạn thích. Đối với các mặt nạ dạng lột và rửa (đất sét, bùn, than hoạt tính...) bạn có thể sử dụng ngay sau khi rửa mặt xong, từ 1-2 lần/tuần. Đối với các mặt nạ giấy có tính chất cấp ẩm dưỡng da thì bạn sử dụng ngay sau bước cân bằng da, từ 2-3 lần/tuần. Đối với mặt nạ ngủ bạn chỉ nên dùng 1- 2 lần/tuần sau bước dưỡng ẩm để bổ sung thêm dưỡng chất cho da nhanh lấy lại độ mềm mượt, mịn màng.
Chăm đắp mặt nạ để có làn da căng bóng phủ sương và ẩm mịn tức thì
Quy trình mà Moira vừa kể ra trên đây phụ thuộc rất nhiều vào cả nhu cầu và túi tiền của mỗi người. Bạn hãy tự cân nhắc và quyết định xem nên dùng những bước nào vì không ai hiểu làn da của bạn bằng chính bạn. Mỗi ngày, hãy nhìn ngắm và cảm nhận kết cấu, độ ẩm mịn và các vấn đề của da mình để xem bạn cần bổ sung hay thêm bớt gì không. Nếu bạn bận rộn và muốn quy trình dưỡng da hàng ngày gọn nhất có thể thì bạn thể áp dụng chu trình sau: Làm sạch --> Dưỡng ẩm --> Chống nắng. Không cần quá nhiều bước dưỡng da, nhưng có một chế độ chăm sóc da đầy đủ và khoa học là điều kiện cần thiết để duy trì vẻ ngoài tươi trẻ bạn nhé.